Nửa dân số dùng Internet, mới có 20% doanh nghiệp Việt làm website

Đến năm 2020, 80% dân số Việt Nam sẽ dùng điện thoại di động và xu hướng kinh doanh online tăng 40%, song hiện mới có 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ "lên mạng".

Số liệu trên được bà Tammy Phan - Giám đốc đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Việt Nam của Google đưa ra tại Hội thảo về công nghệ số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ diễn ra sáng 2/6.
 
Đại diện Google cho biết, với việc Việt Nam là quốc gia đứng đầu về tăng trưởng điện thoại di động, hoạt động kinh doanh online sẽ tăng trưởng 40%. Theo dự báo của công ty này, đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động. Với ước tính năm 2020 có hơn 140.000 việc làm mới, cứ tăng 1% người dùng di động, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 100 triệu USD.
 
Cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động vào năm 2020 theo dự báo của Google.
Những thống kê của Google cũng cho thấy xu hướng mua bán online, đặc biệt qua điện thoại di động đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Trước khi quyết định mua sắm, theo số liệu của công ty này, 70% người dùng lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng. 66% nghiên cứu khoảng một ngày trước khi đi xem trực tiếp và 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong cửa hàng.
 
Mặc dù theo thống kê hiện nay, 45 triệu người Việt (chiếm khoảng nửa dân số Việt Nam) đã tiếp cận Internet và nhu cầu tìm kiếm trên mạng trước khi mua sắm ngày một tăng nhưng các doanh nghiệp dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Bà Tammy Phan cho biết, hiện mới chỉ 20% công ty vừa và nhỏ "lên mạng" và có website hỗ trợ mua bán trực tuyến. Chưa kể, đại diện Google cũng thông tin, 70% người được hỏi cho biết gặp trục trặc khi truy cập các trang web trên điện thoại di động.
 
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng từng nhận định có khoảng 30% dân số mua sắm online vào năm 2020. Doanh số hằng năm đối với loại hình này có thể đạt trung bình 350 USD trên một đầu người. Bên cạnh đó, doanh số B2C (doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng) sẽ tăng 20%, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ.
 
Doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiếm 97% cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của VCCI với hơn 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cũng cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ chưa thực sự cao.
 
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - mức độ kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ với nước ngoài và chuỗi sản xuất của thế giới tương đối kém. "Trong mẫu 10.000 doanh nghiệp trả lời, tỷ lệ tham gia làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài rất ít. Do đó, bức tranh xuất nhập khẩu hiện nay mới chủ yếu là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI.", ông Tuấn cho biết. Thực tế, tỷ trọng FDI trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, đạt hơn 70%. cách đây 5 năm chỉ là 50%.

Chuyên mục: Tin tức nổi bật

 

Bài viết liên quan